Khi Ve Sầu Khóc (ひぐらしのなく頃に Higurashi no Naku Koro ni) là một series doujin soft visual novel thể loại trinh thám bí ẩn được sản xuất bởi 07th Expansion. Cốt truyện chính được chia thành tám chương. Bốn chương đầu tiên của series còn được gọi là Higurashi no Naku Koro ni Question Arcs để phân biệt với tên của cả series. Nối tiếp Question Arcs là bốn chương cuối cùng với tên gọi Higurashi no Naku Koro ni Kai
Chương đầu tiên, Onikakushi, được phát hành tại Comiket 62 vào ngày 10 tháng 8 năm 2002. Các chương sau đó lần lượt được phát hành tại các Comiket khác. Chương cuối của series, Matsuribayashi, được phát hành tại Comiket 70 vào ngày 13 tháng 8 năm 2006. Hiện tại, tám chương chính truyện đã được dịch sang ngôn ngữ Tiếng Anh bởi MangaGamer với tiêu đề là Higurashi When They Cry Hou và có thể mua tại trang chủ của MangaGamer, GOG, hoặc mua trên Steam.
Giới thiệu chính thức[]
Tháng 6 năm 1983.
Cái nắng mùa hè tới sớm hơn bao giờ hết.
Ban ngày có tiếng ve sầu, ban đêm lại có tiếng Higurashi.
Hinamizawa, một ngôi làng nhỏ nằm ở vùng quê Nhật Bản.
Mặc dù có chưa đầy 2000 người sinh sống ở đây,
nhưng hằng năm đều có chuyện kỳ lạ xảy ra.
Trong suốt bốn năm qua, năm nào cũng có
một người chết và một người mất tích.
Chuỗi những vụ án chết người và mất tích liên tiếp này đều liên quan đến
cuộc phản đối của dân làng chống lại dự án thi công đập nước.
Vụ án mạng xảy ra vào thời điểm thi công,
và bị che đậy bởi chính quyền địa phương,
lại được tái hiện từ năm này qua năm khác.
Liệu đây có phải là một âm mưu?
Hay chỉ là trùng hợp? Hoặc có lẽ là một lời nguyền?
Người đáng lẽ nên ở đó...lại không có ở đó.
Còn người đáng lẽ không nên ở đó...lại ở đó.
Người còn sống đêm hôm trước thì giờ đã chết.
Và người đang ở ngay đây thì lại không phải người sống.
Không có cách nào để ngăn chặn thảm kịch này.
Không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bỏ cuộc.
Nhưng dẫu có như vậy...thì cũng xin đừng từ bỏ. [1]
Lối chơi[]
Higurashi no Naku Koro ni là một visual novel thể loại bí ẩn và vì vậy nên cốt truyện được truyền tải thông qua lời kể chuyện và các cuộc đối thoại đi kèm với các yếu tố âm thanh, hình ảnh như là sprite nhân vật, nhạc nền, và hiệu ứng âm thanh. Nó được 07th Expansion mô tả như là một "sound novel" vì trò chơi chủ yếu dựa vào phần âm thanh để làm câu chuyện trở nên sinh động hơn thay vì sử dụng hình ảnh. Phiên bản gốc của trò chơi không hỗ trợ lồng tiếng nhân vật.
Ngoài việc đọc cốt truyện chính ra, người chơi còn có thể vào chế độ TIPS để xem các cảnh phụ có chứa những thông tin mới về nhân vật và câu chuyện. Kết thúc mỗi chương thuộc Question Arcs sẽ có phần lời bạt gọi là Tiệc Cảm ơn nơi mà các nhân vật cùng thảo luận về những việc xảy ra trong chương đó và đưa ra một số gợi ý. Mặt khác, kết thúc mỗi chương thuộc Answer Arcs cũng có phần lời bạt gọi là Phòng Staff, nơi mà tác giả Ryukishi07 kể về quá trình lên ý tưởng cho chương. Mặc dù không nhất thiết phải đọc phần lời bạt này nhưng nó có thể giúp người chơi có những cái nhìn sâu sắc hơn về toàn bộ câu chuyện.
Tuy thiếu nhiều yếu tố tương tác trong lối chơi nhưng Higurashi lại được xem như là một trò chơi giữa tác giả và người đọc, với độ khó khác nhau được mô tả trong từng chương. Độ khó ở đây tức là độ khó trong việc người đọc tìm ra lời giải cho các bí ẩn trong từng chương.
Cốt truyện[]
Higurashi no Naku Koro ni lấy bối cảnh vào tháng 6 năm 1983 tại Hinamizawa, một ngôi làng nhỏ. Nhân vật chính là Maebara Keiichi, một cậu trai trẻ chuyển tới Hinamizawa cùng gia đình mình và nhập học vào một ngôi trường ở nơi đây, cậu làm quen với nhiều người bạn mới và cùng nhau tham gia các hoạt động của Câu Lạc Bộ Trò chơi.
Khi Keiichi ngày càng thân hơn với những người bạn của mình, cậu được tìm hiểu nhiều hơn về phong tục của làng và biết được rằng mọi người ở đây đều tôn thờ Oyashiro-sama và tổ chức một lễ hội hằng năm để tế bái Ngài. Keiichi cũng khám phá ra được rằng lễ hội hằng năm này có liên quan đến một lời nguyền rằng sẽ có một người chết và một người mất tích. Trong lúc Keiichi cố gắng đi tìm lời giải cho những bí ẩn này, cậu đã biết được thêm nhiều mặt tối của bạn cậu cũng như là của cả ngôi làng.
Ý tưởng và Quá trình phát triển[]
Cảm hứng và Ý tưởng giai đoạn đầu[]
Ryukishi nảy sinh hứng thú với các trò chơi dạng tiểu thuyết nhờ tác phẩm Otogirisou và Kamaitachi no Yoru và muốn tự tay tạo ra một trò chơi của riêng mình. Bằng cách sử dụng phần mềm làm trò chơi Sound Novel Tsukuru 2, ông đã tạo ra một trò chơi tương tự như Hinamizawa Bus Stop nhưng ông lại không may làm mất dữ liệu. Về sau, ông viết nên Hinamizawa Bus Stop dưới dạng kịch bản cho một vở kịch và gửi đi tham gia một cuộc thi và bị loại.[2] Vào thời điểm khi Tsukihime vừa mới ra mắt, em trai của Ryukishi là Yatazakura đã thuyết phục ông thử viết một sound novel sử dụng phần mềm NScripter, cũng chính là phần mềm làm ra Tsukihime. Ryukishi dựa vào kịch bản vở kịch của mình và viết lại thành một câu chuyện mới.[3]
Ryukishi đã nghĩ ra rất nhiều ý tưởng cho tiêu đề của câu chuyện này. Ông muốn tiêu đề gợi tới hình ảnh loài ve vào ban đêm và sử dụng kanji higurashi (蜩), nhưng ông cho rằng người đọc sẽ lầm tưởng câu chuyện này có liên quan tới côn trùng. Một tiêu đề khác được ông nghĩ ra là "Câu chuyện Kỳ bí ở Hinamizawa" (雛見沢奇譚 Hinamizawa Kitan), nhưng ông quyết định từ bỏ cái tên này vì chương trình soạn thảo của ông không thể gõ được chữ 譚. Sau đó, ông tưởng tượng đến những phân cảnh mà các nhân vật nhắc tới tiêu đề của câu chuyện và suy nghĩ rằng "mọi chuyện sẽ kết thúc khi higurashi khóc (higurashi no naku koro ni)" và quyết định chọn cái tên đó. Chữ na (な) trong tiêu đề có màu đỏ bởi vì nó có nhiều nghĩa, như là "kêu" hoặc "than khóc".[4]
Ryukishi dự định cho phát hành toàn bộ Higurashi một lần, nhưng sau lại quyết định phát hành thành từng chương nhỏ bởi vì cốt truyện phát triển dài hơn ngoài dự kiến.[5] Nó cũng từng được định hướng sẽ trở thành một trò chơi với nhiều route và các lựa chọn, và mỗi chương sẽ tập trung vào một nhân vật trong tổng số 6 nhân vật.[6] Nhưng sau cùng thì dự tính đó đã bị thay đổi.[7]
Lý do lựa chọn bối cảnh năm 1983 là vì ông đã từng bảo rằng "Năm 1983 rơi vào khoảng 20 năm về trước, tôi nghĩ đa số người đọc Higurashi là bộ phận giới trẻ hiện nay, tầm tuổi sinh viên đại học. Vậy nên thời kỳ này sẽ trở nên mập mờ hơn vì một số người đọc khi ấy thậm chí còn chưa được sinh ra. Nhưng giả sử nếu như câu chuyện xảy ra 100 năm về trước thì có lẽ nó sẽ thành thể loại hư cấu mất, bởi vì không một ai ở thời điểm đó vẫn còn sống cho tới hiện tại, không phải tác giả, cũng không phải người đọc, không phải bất kỳ ai cả. Dù họ có tham khảo kỹ càng thế nào về chủ đề này trong những đầu sách thì vẫn không thay đổi được sự thật là họ chỉ đang tự vẽ ra một ảo cảnh của riêng họ về những thứ họ chưa từng chứng kiến cũng như chưa từng nghe qua. Nhưng nếu câu chuyện diễn ra vào khoảng thời đại mà họ sinh ra thì nó sẽ không phải là thể loại hư cấu. Nhưng vẫn có những lúc các bạn đều tin vào những câu chuyện cổ tích mà bố mẹ kể cho mình khi con nhỏ. Và tôi nghĩ như vậy sẽ tạo nên một ranh giới nơi hiện thực và ảo tưởng giao nhau. Đó chính là lý do tôi chọn thời điểm mập mờ năm 1983 làm bối cảnh. Tôi nghĩ rằng chính vì câu chuyện xảy ra vào thời kỳ đó nên mới có được sự cân bằng hoàn hảo giữa những vụ án và lời nguyền."[5]
Một trong những cảm hứng sáng tác Higurashi của Ryukishi đến từ nhiều tác phẩm như bộ phim Dự án phù thủy rừng Blair và các tác phẩm của Seishi Yokomizo, tiêu biểu là Ngôi làng với tám ngôi mộ.[5] Ryukishi đặc biệt khen ngợi Dự án phù thủy rừng Blair về tính chân thực của nó vì những tư liệu, nhật ký, và ghi chép của cảnh sát được đưa ra trước khi phát hành bộ phim. Ông cũng đã tạo ra một sự chân thực tương tự thông qua phần TIPS của Higurashi, với phần lớn trong chúng là những ghi chép của cảnh sát và những bài báo.[6] Ryukishi cũng bị ảnh hưởng bởi các tác phẩm của KEY, được biết đến với những cảnh vui tươi, bình dị ở phần đầu câu chuyện và sau đó là những phân cảnh buồn đau; Higurashi cũng đi theo một chủ đề tương tự bằng cách bắt đầu với những cảnh đời thường bình dị và chuyển thành những cảnh kinh dị máu me.[8]
Cảm hứng ngoài đời được dựa trên dự án phát triển Đập nước Miboro, một dự án thi công đập nước đã di dời 1200 người dân và nhấn chìm rất nhiều nhà dân. Nhiều người dân ở Shirakawa-go hợp lại thành một tổ chức để phản đối dự án này, gọi là "Hội đồng minh tử thủ quyết tiệt phản đối Dự án đập nước Miboro" (御母衣ダム絶対反対期成同盟死守会).[9] Ryukishi đã đọc được một bài phóng sự về sự việc này khi du lịch tới Shirakawa-go và sử dụng một cái tên tương tự là Hội Đồng minh Tử thủ Onigafuchi vào trong Higurashi.[10]
Khi chương đầu tiên là Onikakushi được phát hành, nó chỉ được ra mắt như là một phiên bản Alpha và được trù tính sẽ phát hành một phiên bản mới có thêm các lựa chọn và các phân cảnh mới tại Comiket kế tiếp. Một vài người chơi tò mò hỏi ông cái kết lần này sẽ như thế nào nhưng Ryukishi lại thông báo rằng nó không được hoàn thành như dự tính. Tuy nhiên, Ryukishi đã quyết định viết chương tiếp theo là Watanagashi thay vì thêm các lựa chọn mới cho chương đầu. Ông cũng nhận được những phản hồi tương tự từ người chơi sau chương Watanagashi, nhưng sau đó ông lại tiếp tục viết và cho ra mắt chương Tatarigoroshi. Tới thời điểm ấy, Ryukishi quyết định rằng ông sẽ không thêm các lựa chọn vào Higurashi vì nghĩ rằng nó sẽ khác biệt so với những trò chơi dạng tiểu thuyết khác bởi vì các lựa chọn và route khác nhau là đặc điểm thường thấy ở thể loại này.[2]
Quá trình sản xuất hình ảnh và âm thanh[]
Tất cả hình nền có trong bản gốc của Higurashi là những tấm ảnh được chụp bởi Ryukishi và bạn của ông, trong đó đa số được chụp từ làng Shirakawa-go.[11] Sprite của các nhân vật được chính tay Ryukishi vẽ và lên màu, riêng cảnh "đôi mắt đáng sợ" lại được vẽ bởi Yatazakura.[7]
Về phần âm thanh, ban đầu Ryukishi sử dụng những bản nhạc không chứa bản quyền do nhiều nhà soạn nhạc từ chối lời mời hợp tác với ông vì họ nghĩ rằng ông đang viết kịch bản cho một erogame và không muốn dính dáng tới nó.[12] Ryukishi thường xuyên nhận được nhiều bình luận cáo buộc ông ăn cắp nhạc từ những trò chơi khác, hoặc những bình luận bảo rằng có trò chơi khác ăn cắp nhạc của ông. Kể từ đó, Ryukishi quyết định hạn chế sử dụng nguồn nhạc không bản quyền và liên hệ với một thành viên của nhóm doujin GameMusicLibrary để hỏi xin lời khuyên, và họ đã bảo ông nên tìm người soạn nhạc thông qua trang mạng xã hội mixi.[13]
Một ngày nọ, một người hâm mộ tên là dai đã gửi một email tới Ryukishi phê bình khâu xử lý âm thanh của ông. Mặc dù Ryukishi cho rằng ông đã gửi lại hồi đáp tỏ rõ vẻ xua đuổi qua việc thách thức anh gửi nhạc của mình cho ông xem, nhưng dai đã thực sự sáng tác và gửi lại cho ông. Dàn nhân viên của 07th Expansion thực sự bị ấn tượng khi nghe những bản nhạc đó và quyết định mời dai tham gia cùng.[12] phần nhạc do dai sáng tác được sử dụng cho Higurashi bắt đầu từ chương Meakashi.
Quảng bá và Phát hành[]
Chương đầu tiên Onikakushi được bày bán lần đầu tại Comiket 62 chỉ với giá 100 yen. Vì giá của nó quá rẻ nên nhiều người lầm tưởng rằng đây chỉ là một bản demo.[3] Vào thời điểm đó, Ryukishi cũng đang bán thẻ bài tự thiết kế cho trò chơi Leaf Fight và lén đặt một bản Onikakushi vào trong bộ bài rồi mới gửi nó cho khách hàng và vờ như đấy chỉ là một sự nhầm lẫn khi có người hỏi tới.[2]
Trong số 100 người đầu tiên chơi Onikakushi và gửi những giả thuyết mình nghĩ ra tới Ryukishi thì chỉ có duy nhất một người thành công đưa ra lời giải cho câu chuyện này. Ryukishi quyết định sử dụng "Tỉ lệ trả lời chính xác: 1%" như một câu quảng cáo và cho nó lên bìa các chương sau.[14] Ryukishi hứa sẽ gửi những bản miễn phí của các chương tiếp theo tới những người đọc đã gửi các phản hồi cho ông.[2]
Sau khi Tatarigoroshi được phát hành, BT, một người bạn của Ryukishi, đề xuất rằng họ nên đăng tải một bản chơi thử miễn phí của chương Onikakushi để quảng bá cho series. Ryukishi đã đồng ý và nó đã giúp cho series được nhiều người biết đến vì sự ủng hộ rộng rãi và những bài blog giới thiệu của fan. Trước khi ra mắt Himatsubushi, Ryukishi bán những bản trò chơi của Higurashi ở sạp hàng của mình tại Comiket. Ông đã thử đàm phán với một cửa hàng doujin để bán Higurashi nhưng cuối cùng lại bị từ chối vì Higurashi là một trò chơi nguyên gốc, dành cho mọi lứa tuổi và chất lượng hình ảnh kém. Mặc dù Himatsubushi không được lên kế hoạch ngay từ đầu, nhưng Ryukishi vẫn sản xuất 2000 bản và tất cả đều được bán hết. Himatsubushi sau đó đã được bày bán tại nhiều cửa hàng doujin ở Akihabara.[2]
Các chương truyện[]
Các chương Đặt vấn đề[]
- Chương 1: Onikakushi
- Chương 2: Watanagashi
- Chương 3: Tatarigoroshi
- Chương 4: Himatsubushi
Các chương Giải đáp (Kai)[]
- Chương 5: Meakashi
- Chương 6: Tsumihoroboshi
- Chương 7: Minagoroshi
- Chương 8: Matsuribayashi
Các chương phụ[]
- Higurashi no Naku Koro ni Rei: bao gồm 3 chương phụ.
- Higurashi no Naku Koro ni Hou:bản tổng hợp tất cả những tựa chương trước đó (Question Arcs, Kai, và Rei) và thêm vào 3 chương phụ mới.
- Higurashi no Naku Koro ni Hou+: một bản làm lại tổng hợp Hou và một phân cảnh phụ.
Port, Chuyển thể, và Ngoại truyện[]
Port[]
- Higurashi no Naku Koro ni Matsuri là một bản port PS2 được phát hành bởi Alchemist thêm vào hình ảnh nhân vật mới và lồng tiếng. Nó bao gồm 7 chương đầu và 3 chương mới là: Taraimawashi, Tsukiotoshi, và Miotsukushi, trong đó chương Miotsukushi được xem như là một cái kết khác chơ chương Matsuribayashi.
- Higurashi no Naku Koro ni Kizuna là chuỗi các port Nintendo DS phát hành bởi Alchemist gồm nhiều hình ảnh và chương mới. Có tổng cộng bốn bản game được phát hành.
- Higurashi no Naku Koro ni Sui là một bản port PS3 phát hành bởi Alchemist và Kaga Create bao gồm tất cả các nội dung có trong Matsuri và Kizuna với hình ảnh được cập nhật, lồng tiếng, và một bản chuyển thể của Hajisarashi.
- Higurashi no Naku Koro ni Hou là một bản port PS4 và Switch của Sui phát hành bởi Entergram bao gồm port của các chương từ phiên bản gốc PC của bản Hou và Batsukoishi của bản Rei.
Manga[]
- Bài viết chính: Higurashi WHEN THEY CRY (manga)
Một series manga được phát hành từ năm 2005 cho đến năm 2012, bao gồm Question Arcs, Answer Arcs, và nhiều arc original. Nó được mua bản quyền Tiếng Anh và được phát hành bởi Yen Press.
Drama CD[]
- Bài viết chính: Higurashi no Naku Koro ni (drama CD)
Một series drama CD lồng tiếng toàn bộ chính truyện được phát hành từ năm 2005 đến năm 2012. Đáng chú ý hơn là đây chính là lần đầu tiên các nhân vật của Higurashi được lồng tiếng, trước khi ra mắt anime.
Anime[]
Studio DEEN đảm nhiệm vai trò chuyển thể anime cho series chính. Anime được phát sóng giữa năm 2006 và năm 2007. Mùa 1 chuyển thể Question Arcs, Meakashi và Tsumihoroboshi. Mùa 2 được đặt theo tên Kai chuyển thể một phần TIP của Tsumihoroboshi ở tập đầu, Minagoroshi, và Matsuribayashi cùng với một chương mới là Yakusamashi-hen. Phần Rei được chuyển thể thành một series OVA cùng tên vào năm 2009. Một series OVA khác gồm 4 tập có tên là Kira được phát sóng giữa năm 2011 và năm 2012. Sau đó, một OVA độc lập chuyển thể phần Outbreak với cùng tên vào năm 2013.
Light Novel[]
- Bài viết chính: Higurashi no Naku Koro ni (novel)
Một series light novel được minh họa bởi Tomohi và được phát hành bởi Kodansha từ năm 2007 đến năm 2009, bao gồm Question Arcs, Answer Arcs, và Saikoroshi-hen.
Movie Live Action[]
Một movie live action được phát hành vào năm 2008, có chứa những nội dung có trong Onikakushi và Watanagashi.
Một tựa movie tiếp nối mang tên Higurashi no Naku Koro ni Chikai được phát hành vào năm 2009, có chứa nội dung có trong Tsumihoroboshi.
Phim Truyền hình[]
- Bài viết chính: Higurashi no Naku Koro ni (2016 drama)
Một series phim truyền hình live action được phát sóng vào năm 2016 với hai mùa.
Stage Play[]
- Bài viết chính: Hinamizawa Bus Stop (stage play)
- Bài viết chính: Higurashi no Naku Koro ni (stage play)
Đoàn kịch Shingidan đã diễn hai vở collab với 07th Expansion: Hinamizawa Bus Stop, là nguyên mẫu của Higurashi; và Higurashi no Naku Koro ni Naga và Aka, là chuyển thể của chương Watanagashi và Meakashi.
Phần tiếp theo[]
Có rất nhiều series anime và manga được cho là phần tiếp theo của câu chuyện gốc:
- Higurashi Gou và Sotsu, là hai phần anime được sản xuất bởi Studio Passione và thường được xem như một phần chung được gọi là "GouSotsu".
- Higurashi Gou và Meguri, là 2 series manga được minh họa bởi Akase Tomato. Mặc dù tên và nội dung tổng thể giống với anime nhưng nó vẫn được xem như là một tác phẩm riêng biệt.
- Higurashi Rei, là một series manga lấy bối cảnh 35 năm sau sự kiện diễn ra ở cốt truyện chính, câu chuyện lần này xoay quanh những đứa con của dàn nhân vật chính.
Ngoại truyện[]
- Higurashi Daybreak là một tựa game đối kháng được phát hành bởi Twilight Frontier.
- Umineko no Naku Koro ni Episode X: Rokkenjima of Higurashi crying là một manga crossover với Umineko no Naku Koro ni.
- Higurashi Mei là một game mobile gacha có chứa các yếu tố RPG.
Thư viện ảnh[]
Ngoài lề[]
- Higurashi trùng hợp có khá nhiều điểm tương đồng với Haruka Refrain. Trong thời gian phát hành Higurashi, nhiều người hâm mộ ở Nhật đã chỉ ra những điểm giống nhau giữa hai tác phẩm, và Ryukishi đã khẳng định rằng nếu ông biết đến Haruka Refrain ngay từ đầu thì có lẽ cốt truyện của Higurashi đã khác hơn rất nhiều hoặc thậm chí có thể ông đã không viết nên Higurashi.[15]
Tham khảo[]
- ↑ Higurashi When They Cry Hou Ch. 1 Onikakushi Store Page (Mangagamer) https://www.mangagamer.com/detail.php?product_code=132
- ↑ 2,0 2,1 2,2 2,3 2,4 Higurashi 15th Anniversary Dengeki Online Interview
- ↑ 3,0 3,1 07th Expansion Toratsu Interview
- ↑ Higurashi no Naku Koro ni Matsuri Official Complete Guide Special Interview
- ↑ 5,0 5,1 5,2 Alone in the Dark: An Interview With the Creators of Higurashi When They Cry
- ↑ 6,0 6,1 Higurashi no Nakasekata Part 1
- ↑ 7,0 7,1 Higurashi no Naku Koro ni Official Character Guide/Interview
- ↑ July 9, 2004 forum post on the 07th Expansion bulletin board by Ryukishi07 (archived)
- ↑ Miboro Dam on Japanese Wikipedia.
- ↑ Higurashi no Naku Koro ni Famous Scene Investigation File 100 Interview, page 106
- ↑ Ryukishi07 Interviews (Epitanime 2012)
- ↑ 12,0 12,1 ACen 2015 07th Expansion Panels
- ↑ Higurashi no Nakasekata Part 2
- ↑ Production Diary Entry on August 25, 2003. (English translation by rockmor)
- ↑ "Haruka Refrain" Reprint Commemoration, Interview with Ryukishi07: https://natalie.mu/comic/pp/harukarefrain
Liên kết ngoài[]
- Mua Higurashi tại:
|
|